7 loại bệnh rối loạn lo âu thường gặp phải

Rối loạn lo âu là dạng các bệnh rối loạn tâm lý phổ biến khiến người bệnh gặp phải tâm lý lo lắng quá mức với một tình huống hoặc sự việc. Bệnh càng nghiêm trọng thì điều khiến người bệnh lo lắng có thể rất vô lý và không cần thiết. Điều này kéo dài gây nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống, học tập và công việc của bản thân người bệnh cũng như những người xung quanh.

roi-loan-lo-au

Dưới đây là các bệnh rối loạn lo âu thường gặp, một người có thể mắc một hoặc kết hợp nhiều dạng bệnh gây ảnh hưởng phức tạp.

  1. Rối loạn lo âu lan tỏa

Đây là một dạng điển hình của rối loạn lo âu (viết tắt là GAD), bệnh đặc trưng bởi sự lo lắng thái quá, lo âu mạn tính kèm theo căng thẳng khi có rất ít hoặc không có yếu tố kích động. Sự lo lắng này không phù hợp với hoàn cảnh thực tế song người bệnh không thể tự kiểm soát. Lo âu thường xuyên ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh.

  1. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) thường được nhắc đến trong các bệnh rối loạn lo âu, người bệnh có những suy nghĩ ám ảnh, những hành vi lặp lại theo tính chất cưỡng chế. Triệu chứng cụ thể ở mỗi bệnh nhân có thể khác nhau như: rửa tay liên tục, kiểm tra hoặc làm sạch vật dụng trong nhà, đếm đồ vật,… nhằm ngăn chặn những suy nghĩ ám ảnh.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế khiến bệnh nhân khó tập trung khi học tập, làm việc, đôi khi bị mất ngủ và suy nghĩ tiêu cực quá mức.

  1. Rối loạn lo âu xã hội

Rối loạn lo âu xã hội là dạng rối loạn lo âu đặc trưng bởi sự lo lắng quá mức với các tình huống xã hội hàng ngày. Điển hình như khi bạn lo lắng quá mức khi phải phát biểu với đám đông, khi giao tiếp với người lạ, ăn uống trước mặt người khác,… Nhiều bệnh nhân bị rối loạn lo âu nghiêm trọng sẽ lo lắng quá mức bất cứ khi nào trong cuộc sống.

  1. Rối loạn hoảng loạn

Người mắc chứng rối loạn hoảng loạn gặp phải những cơn sợ hãi dữ dội và thường xuyên lặp lại, nhất là khi có yếu tố gây sợ hãi tác động. Triệu chứng đi kèm khi rối loạn hoảng loạn xảy ra gồm: khó thở, đau tức ngực, chóng mặt, tim đập nhanh, đau bụng,…

  1. Rối loạn căng thẳng sau sang chấn

Đây là dạng rối loạn lo âu xảy ra khi người bệnh bị sang chấn tâm lý sau một sự cố đáng sợ hoặc tổn thương thực thể nghiêm trọng. Người bệnh có triệu chứng nhẹ là lo lắng, sợ hãi khi nghĩ đến, nặng hơn là tự tấn công bản thân, mất ngủ,…

  1. Rối loạn lo âu do dùng thuốc

Việc lạm dụng thuốc điều trị có tác dụng phụ ảnh hưởng đến tinh thần có thể dẫn đến rối loạn lo âu, người bệnh bị lo âu quá mức hoặc hoảng loạn dữ dội. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể xảy ra khi tiếp xúc với hóa chất độc hại hoặc ngưng thuốc đột ngột.

  1. Rối loạn lo âu chia ly

Dạng rối loạn lo âu cuối cùng là sự sợ hãi lo âu quá mức khi phải chia ly với người đã gắn bó với mình, cả trẻ nhỏ và người lớn đều có thể mắc phải tình trạng này. Ở trẻ nhỏ, rối loạn lo âu chia ly được xem như một phần bình thường gặp phải ở trẻ từ 8 – 12 tháng tuổi khi trẻ phải rời xa bố mẹ kể cả trong thời gian ngắn.