Đau dạ dày có nhiều tác nhân gây nên, trong đó vi khuẩn HP được xem là nguyên nhân chính gây viêm loét, dẫn đến đau dạ dày. Thế nhưng còn một nguyên nhân nữa ít được mọi người nhắc tới là do rối loạn thần kinh thực vật. Biểu hiện của bệnh rối loạn thần kinh thực vật dạ dày giống hệt với bệnh viêm loét dạ dày, nhưng thường khó phát hiện và chẩn đoán. Chúng ta cùng tìm hiểu các triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị qua bài viết này nhé.
Nội dung chính
Bệnh rối loạn thần kinh thực vật dạ dày là gì?
Hệ thần kinh thực vật giúp cân bằng mọi hoạt động của các cơ quan có chức năng tự động trong cơ thể (như cân bằng nhịp tim, huyết áp, mồ hôi, tiêu hóa…).
Hệ thần kinh thực vật gồm có hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh phó giao cảm. Rối loạn thần kinh thực vật là do sự mất cân bằng giữa hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm gây nên.
Dạ dày được coi là não bộ thứ hai của cơ thể và được chi phối bởi hệ thần kinh thực vật. Trong đó, Hệ thần kinh phó giao cảm có vai trò tăng co bóp, bài tiết dịch dạ dày. Còn hệ thần kinh giao cảm làm giảm hoạt động của hệ tiêu hóa khi cơ thể không cần thiết. Khi tinh thần chúng ta thoải mái, dạ dày hoạt động trơn tru. Ngược lại, khi chúng ta cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi thì dạ dày cũng sẽ nôn nao, khó chịu.
Bệnh rối loạn thần kinh thực vật dạ dày là một khái niệm rất lạ đối với nhiều người. Bệnh còn được gọi là rối loạn chức năng dạ dày. Bệnh thường gặp ở những người trẻ tuổi, thường gặp áp lực trong công việc và cuộc sống.
Bệnh có thể hiểu đơn giản là chức năng co bóp và tiết dịch của dạ dày đang bị rối loạn. Khi mắc bệnh, bạn thường gặp những cơn đau dạ dày, bụng đầy hơi, khó tiêu. Càng ở trong trạng thái căng thẳng, lo âu thì cơn đau càng hành hạ bạn.
Nguyên nhân của bệnh rối loạn thần kinh thực vật dạ dày
Ở một số trường hợp, bệnh thần kinh thực vật dạ dày nhiều khi không xác định được nguyên nhân gây bệnh hay nguyên nhân rất mơ hồ. Nhìn chung có thể chia làm 2 nhóm nguyên nhân chính:
Rối loạn chức năng dạ dày nguyên phát: Do các yếu tố tâm lý gây ra như căng thẳng, phẫn nộ hay sợ hãi, sang chấn tâm lý ở các mức độ khác nhau…
Rối loạn chức năng dạ dày thứ phát: Rối loạn xảy ra sau các bệnh mạn tính (như viêm viêm tụy mạn, viêm túi mật mạn, viêm gan mạn…). Ngoài ra, còn do sai lầm trong ăn uống (ăn vội vã, nhai không kỹ, giờ giấc ăn thất thường, ăn nhiều gia vị cay nóng, uống quá nhiều rượu bia, ăn xong làm việc nặng ngay lập tức…)
Triệu chứng bệnh rối loạn thần kinh thực vật dạ dày
Thông thường, người bệnh sẽ gặp một hoặc nhiều triệu chứng như sau:
+ Đau thắt dạ dày, dạ dày cảm giác nôn nao, khó chịu;
+ Thường xuyên đầy hơi, ợ hơi;
+ Buồn nôn hoặc nôn trước hoặc sau ăn;
+ Mất cảm giác ngon miệng;
+ Nhanh đầy bụng, cảm giác ăn ít đã thấy no;
+ Dạ dày bị rối loạn chức năng co bóp dẫn đến táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài;
+ Bệnh kéo dài sẽ khiến người bệnh mệt mỏi, sút cân, ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc.
+ Các thể bệnh rối loạn thần kinh thực vật dạ dày
Rối loạn thần kinh thực vật kéo theo các thể bệnh về dạ dày như sau:
Giảm trương lực dạ dày
Bệnh thường xuất hiện sau chấn thương nặng; sau căng thẳng thần kinh; hoặc bội thực do một thời dài nhịn đói…Khi mắc bệnh, cơ thể của bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ; đầy bụng, đau âm ỉ; ăn được ít, nhanh no; buồn nôn, ợ hơi, táo bón, ỉa lỏng…
Tăng trương lực dạ dày
Bệnh xảy ra sau chấn thương tâm lý, hoặc sau viêm loét dạ dày, đại tràng. Người bệnh sẽ cảm thấy thường xuyên đau bụng vùng thượng vị, buồn nôn, nôn, ợ hơi, ợ chua…Và các biểu hiện sẽ tăng hơn khi căng thẳng tâm lý.
Giãn dạ dày cấp
Giãn dạ dày cấp thường xuất hiện sau chấn thương ổ bụng, viêm tụy có mủ, ăn uống quá mức kéo dài. Bệnh nhân thường đau bụng vùng thượng vị dữ dội hoặc âm ỉ; nôn nhiều, kéo dài gây rối loạn nước và điện giải, có thể dẫn đến tử vong.
Bệnh rối loạn thần kinh thực vật dạ dày tuy không phổ biến như những bệnh lý dạ dày khác, tuy nhiên người bệnh cũng không nên chủ quan. Khi có các triệu chứng của bệnh nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị hợp lý.
Điều trị bệnh rối loạn thần kinh thực vật dạ dày
Trước tiên, nếu thấy đau dạ dày, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ, họ sẽ tìm hiểu triệu chứng để loại trừ trường hợp bạn mắc những bệnh lý khác chẳng hạn như: Hội chứng ruột kích thích; bệnh viêm loét dạ dày; bệnh viêm ruột; bệnh celiac…
Đối với những trường hợp mắc bệnh ở mức độ nhẹ thì có thể thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi và làm việc khoa học thì tình trạng bệnh sẽ mau chóng thuyên giảm.
Còn với những trường hợp mắc bệnh ở giai đoạn nặng, kéo dài lâu năm, đang có sự biến chuyển thành nhiều bệnh khác thì cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Một số trường hợp nặng, còn phải phẫu thuật để cắt bỏ và thay thế đoạn thần kinh bị tổn thương.
Nếu có các triệu chứng của bệnh “hành hạ” bạn thường xuyên và đặc biệt là nó ngày càng trở nên tồi tệ hơn, bạn cần đến gặp ngay bác sĩ để có phác đồ điều trị cụ thể:
Bệnh có thể điều trị theo phác đồ sau:
Điều trị theo nguyên nhân: Bệnh có thể dễ dàng chữa khỏi nhưng cũng có khi rất khó chữa. Nếu xác định được nguyên nhân thì điều trị theo nguyên nhân, bệnh sẽ rất nhanh chóng có chuyển biến tốt. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân tiếp tục tái diễn thì bệnh có thể quay trở lại bất cứ lúc nào.
Điều trị triệu chứng: Nếu không thể xác định được nguyên nhân thì bác sĩ sẽ điều trị theo triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật. Chẳng hạn đầy bụng thì cho thuốc chữa đầy bụng; táo bón, tiêu chảy thì dùng thuốc ổn định tiêu hóa…
Liệu pháp tâm lý: Đây cũng là một biện pháp khá hiệu quả. Người bệnh sẽ được tham gia vào các hoạt động giúp giảm căng thẳng như tập thể dục, đọc sách, trò chuyện giải tỏa tâm lý, hoặc thư giãn nghe nhạc…
Chế độ ăn: Tránh các loại thực phẩm có thể làm bệnh nặng thêm như đồ cay nóng, sữa, cafe, trà, soda…
Rối loạn thần kinh thực vật dạ dày sẽ tự khỏi sau một thời gian nhưng cũng có thể kéo dài cả đời. Các triệu chứng của bệnh thường ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của bạn. Bởi vậy, bạn không nên lơ là, chủ quan. Hãy tới tìm bác sĩ ngay khi có những triệu chứng trên. Chúc các bạn luôn khỏe mạnh.